Thái Hoàng triều Tống Tào_hoàng_hậu_(Tống_Nhân_Tông)

Triều đại Anh Tông

Năm Gia Hữu thứ 8 (1063), ngày 29 tháng 3 (tức ngày 30 tháng 4 dương lịch), Nhân Tông băng hà, Hoàng thái tử Triệu Thự kế vị, tức Tống Anh Tông. Tào Hoàng hậu do là Mẫu hậu của Anh Tông nên được tấn tôn trở thành Hoàng thái hậu.

Đương lúc đó Tống Anh Tông thường xuyên đau ốm, thỉnh Hoàng thái hậu「Quyền đồng xử phân Quân quốc sự; 權同處分軍國事」, Tào Thái hậu trở thành người nắm quyền nhiếp chính, tiến hành ["Thùy liêm thính chánh"; 垂簾聽政] ở Nội Đông môn Tiểu điện, theo lệ của Chương Hiến Lưu Thái hậu khi trước. Đại thần mỗi ngày có điều tấu không thể xử quyết, Tào Thái hậu liền nói:"Các ngài tự thương thảo đi!", chưa hề tự mình chủ trương bất kì điều gì. Bà chủ trương không dùng ngoại thích họ Tào, các đại thần trong triều, hễ người hầu có hành vi sai lầm, một chút ít cũng không châm chước. Do đó, cung đình chốn viện vào thời gian này rất nghiêm khắc tận tâm[11].

Năm Trị Bình nguyên niên (1064), mùa hè tháng 5 (ÂL), Anh Tông bệnh khởi sắc, Tào Thái hậu liền hạ lệnh ["Triệt liêm hoàn chính"; 撤簾還政], giao lại quốc sự cho Anh Tông. Chiếu thư có viết:「"Hoàng thái hậu xưng Thánh chỉ, Nghi vệ xuất nhập đều như lệ của Chương Hiến Thái hậu khi xưa"; 皇太后稱聖旨,出入儀衛如章獻太后故事。」, dâng cung điện là Từ Thọ cung (慈壽宮)[12]. Nhưng khi ấy Anh Tông cầm chiếu thư thật lâu không nhanh chóng thi hành, mãi đến mùa thu cùng năm mới chính thức chấp chính như cũ, lại gia phong cho em trai Tào hậu là Tào Bật hàm Đồng Trung thư môn hạ Bình chương sự (同中書門下平章事)[13].

Triều đại Thần Tông

Năm Trị Bình thứ 4 (1067), ngày 25 tháng 1, Tống Anh Tông băng hà khi chỉ vừa 35 tuổi, Tống Thần Tông kế vị. Khi ấy, Tào Thái hậu trở thành Thái hoàng thái hậu, là vị Thái Hoàng đầu tiên của nhà Tống, xưng gọi [Tào Thái hoàng; 曹太皇][14]. Bà cư ngụ tại Khánh Thọ cung (慶壽宮).

Khi trị vì, Tống Thần Tông đối với Tào Thái hoàng cực kì tẫn hiếu, đi ra ngoài hay lên núi du ngoạn, mỗi khi đi thì đều ở phía trước đỡ tổ mẫu. Tuy vậy, bà vẫn chủ trương không cho triệu kiến nam duệ của họ Tào thường xuyên lui vào cung. Khi bà cao tuổi, Tào Dật cũng đã già, Thần Tông thỉnh thoảng muốn vời Dật vào cung thường xuyên gặp mặt, Tào Thái hoàng vẫn kiêng quyết không đồng tình. Ngày nọ, Dật theo hầu Thần Tông, ông lại thỉnh lên Tào Thái hoàng cho phép Tào Dật diện kiến, bà mới miễn cưỡng đồng ý. Nhưng khi nghe Dật còn dẫn mấy anh em họ trong nhà, Thái hoàng đóng cửa điện, không muốn gặp riêng[15].

Ban đầu, Tống Thần Tông rất trọng dụng Vương An Thạch và biến pháp của ông ta, muốn thực hiện cải cách biến đổi đất nước. Tào Thái hoàng cùng cháu gái là Cao Thái hậu, sinh mẫu của Tống Thần Tông lấy danh nghĩa ["Tổ tông pháp độ bất nghi khinh cải"; 祖宗法度不宜輕改] mà ra sức phản đối, đứng đầu nhóm bảo thủ chống lại biến pháp. Khoảng trong năm Hi Ninh (1068 - 1077), trước vài ngày diễn ra lễ viếng Thái Miếu, Thần Tông có ghé vấn an Tào Thái hoàng, bà nói:"Trước kia ta mỗi khi nghe nói dân chúng có cực khổ điều gì, nhất định phải nói cho Nhân Tông hoàng đế, Nhân Tông hoàng đế liền thi hành chính sách giảm thuế, hiện tại cũng hay là nên như vậy!". Thần Tông đáp:"Hiện tại không có chuyện gì". Thái hoàng nói:"Ta nghe nói dân chúng đối với Thanh Miêu pháp, Trợ Dịch pháp đều kêu khổ không ngừng, hai biện pháp này ắt nên đình chỉ. Vương An Thạch này tuy đúng là có tài học vấn, nhưng người oán hận ông ta quá nhiều. Hoàng đế muốn yêu quý hắn, thì cũng nên bảo toàn cho hắn, không bằng tạm thời phóng hắn đến ngoại tỉnh đi". Tống Thần Tông nghe đến mà giật mình, vốn dĩ muốn đình chỉ hai biện pháp vô ích này, nhưng bấy lâu vẫn thi hành do bị Vương An Thạch thao túng[16].

Sau đó, Thần Tông thường mỗi khi có quyết định quan trọng, tắc sẽ đến Khánh Thọ cung thương nghị, mọi lời nói đều tỉ mỉ tham khảo. Ngày ấy Tô Thức vì vụ án "Ô Thai thi án" (烏台詩案), vì viết một bài thơ mà bị hạ ngục, đương thời chắc mẩm rằng Tô Thức thế nào cũng chết. Tào Thái hoàng nghe thế, vội nói với Thần Tông:"Ta nhớ tới Nhân Tông hoàng đế ở Thi đình trông thấy hai anh em Tô Thức, bèn nói: [Ta vì con cháu mà chọn hai vị Tể tướng này!]. Nay nghe Thức vì sáng tác thơ mà hạ ngục, không phải là do kẻ thù vu tội đó sao? Trong tập thơ sưu tầm quả có câu sai, nhưng dù sao cũng chỉ là lỗi nhỏ. Nay ta đã rất yếu, không thể lại bởi vì oan uổng người tốt mà làm ảnh hưởng cảnh thái bình đương thời. Án của Tô Thức, Hoàng đế nên tỉ mỉ điều tra mới phải!". Thần Tông nước mắt chảy ròng, quỳ sụp tạ tội, Tô Thức như vậy mới có thể thoát án chết[17].